Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành CNSH của Viện CNSH&MT, Trường Đại học Nha Trang được thiết kế theo định hướng ứng dụng, trong đó chú trọng đào tạo kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, đặt trọng tâm vào Công nghệ sinh học biển và thủy sản.
Trong quá trình học tập, học viên (HV) và nghiên cứu sinh (NCS) được tạo điều kiện tối đa để tham gia các học phần trong chương trình đào tạo, đảm bảo tiến độ học tập (thông thường 4 năm đối với thạc sĩ và 6 năm đối với NCS). Ngay cả trong thời gian diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, việc học tập của HV vẫn được đảm bảo tiến độ thông qua hình thức học online, và phương pháp sáng tạo trong đánh giá kết quả học tập. Bên cạnh đó, HV và NCS cũng được tạo điều kiện tham gia các đề tài, dự án các cấp để thực hiện luận văn cao học và luận án tiến sĩ. Trong đó, có một số đề tài, dự án là nghiên cứu hợp tác giữa Viện CNSH&MT với các Trường/Viện tại địa phương (Viện Hải Dương học, Viện Vaxin và Sinh phẩm y tế, Phân viện Thú y Miền trung…), và cả nước (Trường đại học KHTN, Đại học quốc gia TP. HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Việt Đức, ...).
Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Viện CNSH&MT đã xây dựng được những nhóm nghiên cứu mạnh và chuyên sâu như nhóm, nhóm Hoạt chất sinh học biển do PGS. TS. Ngô Đăng Nghĩa phụ trách, nhóm Đa dạng sinh học và Bảo tồn được chủ trì bởi PGS. TS. Đặng Thúy Bình, nhóm Công nghệ vi sinh vật do PGS. TS. Nguyễn Văn Duy chủ trì. Thông qua các dự án nghiên cứu và đào tạo, Viện đã mở rộng hợp tác quốc tế và ký MOU với các đối tác đến từ Hoa Kỳ, Australia, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Na Uy, Đức, Thái Lan, Lào, …
Hình 1: HV Lê Thị Hồng Lộc tham gia hội thảo tại Đài Loan
Các giảng viên Viện CNSH&MT luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội học bổng và nghiên cứu cho HV và NCS. Cụ thể, thông qua Chương trình hợp tác thủy sản nhiệt đới với các trường đại học ở Châu Á, HV Lại Nhật Linh (50CNSH) đã tham gia chương trình trao đổi sinh viên, và xuất sắc giành học bổng tiến sĩ tại Đại học Kagoshima - Nhật Bản. Sinh viên Lê Thị Hồng Lộc (57CNSH) cũng được cấp học bổng Thạc sỹ tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa, Đài Loan thông qua sự giới thiệu của nhóm nghiên cứu Công nghệ vi sinh. HV Thái Thị Lan Phương (CNSH2014) tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Jan Evangelista Purkyně University, CH Séc. Ngoài các học bổng quốc tế, một số cựu HV và NCS của viện cũng dành được học bổng của Quĩ đối mới sáng tạo VinIF - Tập đoàn Vingroup. Cựu HV cao học Trương Thị Oanh (khóa 2013) đã được cấp học bổng toàn phần 3 năm cho chương trình tiến sĩ tại Đại học Bách Khoa, Đà Nẵng, trong khi Lê Kiều Oanh và Trịnh Thị Thu Hằng – NCS khoá 2021 được cấp học bổng năm 2022 cho chương trình đào tạo tiến sĩ về CNSH tại Viện CNSH&MT.
Hình 2: NCS. Lê Thị Kiều Oanh nhận học bổng tiến sĩ của Quỹ VinIF
Sau khi kết thúc chương trình học cử nhân, nhiều sinh viên đã có cơ hội tiếp tục nâng cao trình độ thông qua việc tham gia nghiên cứu tại các nhóm nghiên cứu của viện. Nhiều sinh viên đã đạt trình độ cao học, và sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ từ nguồn học bổng và kinh phí nghiên cứu của các dự án.
Qua đó cho thấy, đăng ký đào tạo sau đại học tại Viện CNSH&MT có rất nhiều cơ hội để nhận học bổng và kinh phí nghiên cứu từ các dự án, đồng thời được hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng để đăng ký các nguồn học bổng trong và ngoài nước.