I. Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học là lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học sự sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật, động vật, để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Thế kỷ 21 đã được thế giới xác định là thế kỷ của CNSH.
Đối với nước ta, CNSH có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 16/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2117/QĐ-TTg về danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó chỉ rõ CNSH là một trong bốn lĩnh vực ưu tiên cùng với công nghệ số, năng lượng và môi trường, các công nghệ vật lý như robot, công nghệ nano, quang tử, ... Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới cũng đã khẳng định quan điểm: “Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân”, “Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn cầu trong khoảng hai năm trở lại đây, lĩnh vực CNSH đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và thể hiện vai trò quan trọng qua các ứng dụng như phát triển các sinh phẩm (kit) chẩn đoán, vắc-xin và thuốc điều trị. Ngoài ra, CNSH cũng có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, trong các năm qua, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển và ứng dụng CNSH, huy động nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, mở rộng sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm CNSH, các chương trình hợp tác quốc tế về CNSH tiếp tục được tăng cường. Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNSH cũng được đặc biệt quan tâm.
Hình 1: Lao động trong lĩnh vực Công nghệ sinh học
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn của đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố hạt nhân quyết định và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các lĩnh vực công nghệ cao trong đó có CNSH, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Điều này đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng ta về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong thời gian tới, để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển thu nhập trung bình cao vào năm 2045, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng quan trọng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo Viện kế hoạch và Chương trình Giáo dục đào tạo, đến năm 2025, nước ta sẽ cần tối thiểu 35.000 lao động có chuyên môn trong nghành CNSH. Từ 2020 đến 2030, dự kiến ngành CNSH sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, góp thêm phần biến hóa bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp của tổng thể nhiều nước, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực CNSH ở nước ta còn đang thiếu trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nghiên cứu, dịch vụ về CNSH, lại đang có nhu cầu tuyển dụng ứng viên có chuyên môn, kỹ thuật cao về CNSH.
II. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Nha Trang.
Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang là đơn vị đào tạo tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNSH góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn lao động có chuyên môn chung của cả nước. Bênh cạnh đào tạo bậc đại học, Viện cũng đào tạo bậc sau đại học. Kể từ năm 2013 cho tới nay, Viện đã và đang đào tạo gần 150 học viên cao học và 4 nghiên cứu sinh. Trong đó nhiều thạc sỹ và tiến sỹ tốt tốt nghiệp từ Viện hiện đang công tác tại các cơ quan quản lý trọng yếu, viện nghiên cứu trung ương và địa phương, các cơ quan đảm bảo chất lượng và kiểm dịch vùng, các phòng thí nghiệm công nghệ cao, phòng nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp trong khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.
Hình 2: Quan sát tế bào động vật nuôi cấy dưới kính hiển vi trong nghiên cứu sản xuất vắc xin.
Nghiên cứu sinh Trịnh Thị Thu Hằng là một trong những tấm gương điển hình. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Nha Trang khoá 47, Hằng đã được tuyển dụng ngay vào vị trí Nghiên cứu viên thuộc Phòng Công nghệ sinh học, Phân viện Thú y miền Trung. Được trang bị những kiến thức về sinh học phân tử, em đã được cơ quan đánh giá cao về kỹ năng chuyên môn. Không ngừng học hỏi, Hằng tiếp tục giành được học bổng Thạc sỹ của Chính phủ tài trợ học tại Đại học Bách khoa Nagaoka, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trở về, với chuyên ngành nghiên cứu về các sản phẩm vắc xin trên động vật, Hằng đã tham gia thực hiện nhiều đề tài cấp Tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước. Không dừng lại ở đó, em còn liên tục tham gia trong nhiều dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu các sản phẩm sản phẩm vắc xin trên động vật.
Hình 3: Nghiên cứu sinh Trịnh Thị Thu Hằng được trao học bổng của Vingroup
Năm 2022, trước yêu cầu của công việc cần tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nghiên cứu độc lập, tư duy sáng tạọ, Hằng đã tiếp tục đăng ký và đã trúng tuyển nghiên cứu sinh ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Nha Trang. Hơn nữa, em còn xuất sắc giành được suất học bổng của Vingroup tài trợ cho các nghiên cứu sinh có đề tài nghiên cứu tốt. Hằng chia sẻ: “Tại đây, các thầy cô đều là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, có nhiều dự án hợp tác trong nước và quốc tế. Qua quá trình học tập tại đây, em đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm, nâng cao được khả năng xác định vấn đề một cách khoa học, chặt chẽ. Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang thực sự là một địa chỉ đáng tin cậy để các bạn đang có nhu cầu học Sau đại học theo học”.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 2117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- https://nongnghiep.vn/nhu-cau-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-cong-nghe-sinh-hoc-hien-rat-lon-d328261.html