1. Viện Công nghệ sinh học và Môi trường
Viện CNSH & MT được thành lập ngày 30/8/2006 theo quyết định 634/QĐ- ĐHNT của Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang. Viện có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và triển khai dịch vụ trong các lĩnh vực Công nghệ sinh học và Kỹ thuật môi trường.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Viện hiện có hơn 30 người, trong đó có 3 PGS và 12 Tiến sĩ được đào tạo từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, Viện nhận được sự hỗ trợ, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học đầu ngành của các khoa, các bộ môn khác ở trong trường, sự hợp tác, giúp đỡ trong đào tạo và NCKH của các viện, trường trong tỉnh Khánh Hòa và cả nước.
Viện tham gia tổ chức đào tạo ngành Công nghệ sinh học trình độ đại học từ 2002, trình độ thạc sĩ từ 2013 và trình độ tiến sĩ từ 2021. Chương trình đào tạo trình độ đại học của Viện là chương trình đầu tiên của ngành Công nghệ sinh học ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được kiểm định chất lượng quốc gia từ năm 2022.
2. Chương trình đạo tạo sau đại học ngành CNSH
Chương trình đào tạo thạc sĩ được thiết kế theo định hướng ứng dụng, trong đó chú trọng cả đào tạo kiến thức và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, đặt trọng tâm vào Công nghệ sinh học biển với 2 chuyên ngành mũi nhọn là Công nghệ sinh học thực phẩm - thủy sản và Công nghệ sinh học y dược – thú y. Sau khi tốt nghiệp, các thạc sĩ Công nghệ sinh học có đủ năng lực tổ chức và điều hành phân xưởng sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học tại các doanh nghiệp thủy sản, thực phẩm, y dược, thú y; xây dựng và cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học; quản lý phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu triển khai (R & D), phòng kiểm tra chất lượng tại các cơ sở nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học; cũng như xây dựng chính sách và quản lý tại các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực Công nghệ sinh học ứng dụng.
Đối với chương trình tiến sĩ, sau khi tốt nghiệp, các tiến sĩ Công nghệ sinh học có thể nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về Công nghệ sinh học; quản lý tại các đơn vị sự nghiệp của các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; tư vấn chuyên môn về Công nghệ sinh học cho các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội ở trong và ngoài nước; và tham gia, chủ trì các dự án trong nước và quốc tế.
Viện CNSHMT mở rộng đầu vào đối với tất cả các học viên, nghiên cứu sinh đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định và có nền tảng đào tạo đúng ngành hoặc từ các ngành khác có liên quan, nhưng chú trọng đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình học tập và đầu ra tốt nghiệp. Vì vậy, chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Nha Trang góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng như cả nước.
3. Các hỗ trợ học viên cao học và nghiên cứu sinh
Đội ngũ quản lý và giảng dạy của Viện có nhiều hoạt động hỗ trợ và kết nối với các học viên cao học và nghiên cứu sinh từ đầu vào tuyển sinh, trong quá trình học tập và làm luận văn, luận án, cho đến khi tốt nghiệp và sau tốt nghiệp. Tất cả các ý kiến của người học về CTĐT, giảng viên và nội dung học tập đều được phản hồi kịp thời nhằm đáp ứng các yêu cầu luôn thay đổi của người học.
Các học viên cao học và nghiên cứu sinh thường được tham gia trong các đề tài lớn cấp Bộ, Nhà nước và các dự án quốc tế của Viện cùng với các giảng viên hướng dẫn ở trong Viện, trong trường và các cơ sở nghiên cứu trung ương tại Khánh Hòa và cả nước. Vì vậy, người học được rèn luyện trong môi trường nghiên cứu chuẩn mực với cơ sở vật chất từng bước được trang bị tiên tiến và phong cách học tập, làm việc thân thiện và chuyên nghiệp.
Nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh được các giảng viên hướng dẫn hỗ trợ các học bổng một phần hoặc toàn phần nhằm cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu nghiên cứu, hoặc học phí và sinh hoạt phí để người học tập trung vào việc học tập của mình.
Hình ảnh các học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia vào các hoạt động của các dự án nghiên cứu quốc gia và quốc tế của Viện
4. Các hướng nghiên cứu đề tài luận luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ
Hiện nay ngành Công nghệ sinh học có các hướng nghiên cứu chính cho đề tài luận văn, luận án và số lượng học viên cao học/NCS có thể tiếp nhận như sau:
1. Công nghệ sinh học thực phẩm
2. Công nghệ vi sinh vật, công nghệ probiotic, pharmabiotic trong thực phẩm, thủy sản, y dược
3. Công nghệ sinh học trong chế biến thủy sản
4. Tách chiết các hoạt chất sinh học biển; Vật liệu sinh học biển
5. Đa dạng, bảo tồn sinh học biển, sinh thái học và biến đổi khí hậu
6. Công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản; Bệnh học thủy sản
7. Công nghệ sinh học thực vật và tảo biển
8. Công nghệ sinh học trong lĩnh vực thú y, vắc xin thú y
9. Công nghệ sinh học trong y dược, sản xuất vắc xin cho người
Hình ảnh gặp mặt cựu học viên, sinh viên của Viện