Viện CNSH & MT tổ chức khảo sát đánh giá khả năng hấp thụ Carbon của rừng ngập mặn khu vực Bắc Khánh Hòa, Đợt 2 tháng 10 năm 2024
Trong khuôn khổ dự án mã số SVM30022GR0249 “Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn phía Bắc tỉnh Khánh Hòa - Hướng tới cảnh quan bền vững”, Viện Công nghệ sinh học & Môi trường đã tổ chức đợt 2, khảo sát đánh giá khả năng hấp thụ Carbon của rừng ngập mặn khu vực Bắc Khánh Hòa.
Hoạt động khảo sát diễn ra trong tháng 10 năm 2024 với 6 đợt khảo sát rừng ngập mặn tại Ninh Hòa, Vạn Ninh với các kiểu rừng ngập mặn đặc trưng bao gồm: Sinh cảnh RNM trên đảo/bán đảo; Sinh cảnh RNM trên bãi bồi cửa sông; Sinh cảnh RNM (rừng trồng) trên bãi bồi cửa sông; Sinh cảnh RNM trên Đất ngập mặn ven vịnh; Sinh cảnh RNM ven sông và suối.
Mỗi sinh cảnh được khảo sát vào lúc triều xuống thấp với 1-2 ô mẫu đại diện, mỗi ô mẫu có diện tích 20m x 20m. Đặc điểm sinh cảnh khu vực khảo sát (loại đất, bùn, sinh kế và thông tin khác) được ghi nhận đầy đủ; Bên ngoài ô mẫu các thông tin loài cũng được ghi nhận. Thành phần loài được ghi nhận trong ô mẫu dùng để ước tính sinh khối trên bề mặt (Above Ground Biomass - AGB), dữ liệu cơ bản cần ghi lại cho tất cả các cây ngập mặn trong một ô bao gồm:
- Loài: Thường có ít loài trong rừng ngập mặn và các loài có thể được xác định thông qua đào tạo tại chỗ.
- Đường kính thân chính ở độ cao ngang ngực (dbh): Đây là thông số quan trọng để đánh giá kích thước cây, đường kính của cây được đo ở độ cao 1,3 m so với mặt đất và thường được dùng để tính thể tích cây.
- Chiều cao cây: chiều cao cây cũng được ước tính đầy đủ.
- Vị trí và ID: Ghi lại vị trí cụ thể và mã định danh cho từng cây để dễ dàng theo dõi và quản lý.
Việc thu thập dữ liệu này là cần thiết để đánh giá chính xác tình trạng và sự thay đổi của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Các kết quả khảo sát đợt 2 và đợt 1 của Viện CNSH&MT cùng kết quả khảo sát của Hội bảo vệ thiên nhiên Khánh Hòa sẽ là cơ sở dữ liệu để đánh giá đầy đủ trữ lượng sinh khối, khả năng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn Bắc Khánh Hòa nói riêng, Khánh Hòa nói chung. Rừng ngập mặn được đánh giá là hệ sinh thái có năng suất cao ở khu vực ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. Rừng ngập mặn đóng góp 50% vật chất cho đại dương từ các vật liệu trong rừng và 15% tổng lượng vật chất hữu cơ trong trầm tích biển. Trong các giá trị hệ sinh thái như chống xói mòn, bảo vệ bờ biển, hỗ trợ sinh kế, chức năng lưu trữ các-bon hữu cơ có vai trò quan trọng trong trữ lượng các-bon toàn cầu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Dữ liệu đánh giá về trữ lượng sinh khối, khả năng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn Bắc Khánh Hòa là cơ sở ban đầu để thực hiện tiếp các bước bảo tồn, phục hồi rừng ngập mặn tại khu vực ven biển Khánh Hòa.
Hoạt động thuộc Dự án "Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn phía bắc tỉnh Khánh Hòa - Hướng tới cảnh quan bền vững" mã SVM30022GR0249.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động:
Vị trí đo đường kính ngang ngực cho các dạng thân cây ngập mặn có thể gặp
Xác định kích thước ô mẫu (Vạn Ninh – Khánh Hòa)
Đo kích thước & chiều cao cây (đưng) ở rừng ngập mặn Vạn Ninh
Đo kích thước cây (bần cổ thụ) ở rừng ngập mặn Tuần Lễ
Phỏng vấn người dân địa phương về việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn
Hệ sinh thái rừng ngập mặn