Trong các ngày 31/11/2021 – 12/11/2021 tại Glasgow – Vương quốc Anh đã diễn ra Hội nghị COP26 với sự tham gia các lãnh đạo và đại diện 197 Bên tham gia Công ước, trong đó có 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Hội nghị diễn ra được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Hội nghị diễn ra sau 1 năm bị trì hoãn do dịch bệnh COVID-19, theo đuổi 4 mục tiêu:
- Bảo vệ mục tiêu phát thải bằng 0 toàn cầu và duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C;
- Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên;
- Huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm từ các nước phát triển
- Hoàn thiện các quy tắc của thoả thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.
Phát biểu tại hội nghị, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất, đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu và nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Đồng thời, Thủ tướng chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mời chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá trong hơn ba thập kỷ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ cả cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tại Hội nghị COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu dã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó theo đuổi mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,50C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ.
Hội nghị COP26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Anh (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bên cạnh đó, trong 14 ngày diễn ra Hội nghị, các nước tham dự đã đưa ra một loạt các cam kết quan trọng, trong đó nổi bật là hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, gồm Brazil, quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon lớn nhất. Gần 100 quốc gia cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan, được xem là một trong những cách tốt nhất để giảm nhanh sự nóng lên toàn.
Tại Hội nghị, Mỹ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai nước cam kết sẽ hợp tác trong thập kỷ tới để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, đồng thời giải quyết các vấn đề về phát thải khí metan, chuyển đổi năng lượng sạch và giảm phát thải carbon. Thoả thuận giữa hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới được xem là bước đi quan trọng để đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,50C đề ra trong Hiệp định Paris.