Viện CNSH&MT tổ chức nghiệm thu đề tài cấp trường TR2019-13-18: “Đa dạng thành phần loài thực vật đồi La San, Khánh Hoà”
TS. Phạm Thị Minh Thu và nhóm nghiên cứu bảo vệ thành công đề tài Đa dạng thành phần loài thực vật đồi La San, Khánh Hoà
Đề tài được thực hiện nhằm khảo sát sự đa dạng thành phần loài thực vật tại cơ sở đồi La San, Trường Đại học Nha Trang. Vùng khảo sát được giới hạn trong khu vực Đông Bắc của trường và sử dụng phương pháp định danh bằng so sánh hình thái. Kết quả đã thu nhận được 153 loài, thuộc 124 chi, 54 họ, 28 bộ, 4 lớp của 1 ngành thực vật có mạch Tracheophyta. Trong đó, phần lớn các loài (121/153 tương đương 79,08%) thuộc lớp Ngọc lan Magnoliopsida. Hơn một nửa (58,82%) các loài là nhập nội chứng tỏ quá trình cải tạo tích cực của con người với hệ thực vật tại đây. Nhiều cây có tiềm năng dược liệu (69,74%) hoặc có công dụng làm cảnh (58,55%). Trong các loài thực vật được định danh có 7 loài thuộc dạng cần bảo tồn theo Red List của IUCN (2020) hoặc Sách đỏ Việt Nam (Bộ KH&CN, 2007), đặc biệt có Gõ mật (Sindora siamensis), Bàng vuông (Barringtonia asiatica), Sao đen (Hopea odorata) và Dầu rái (Dipterocarpus alatus) là các loài bản địa của Việt Nam nên cần được ưu tiên bảo tồn. Trong quá trình thu mẫu phục vụ định danh, hơn 300 mẫu vật đã được sưu tập, tạo mẫu tiêu bản, ép và trình bày theo qui chuẩn của các mẫu tiêu bản thực vật. Các mẫu này có thể được sử dụng lâu dài với mục đích phục vụ giảng dạy, NCKH cũng như tham quan, tham khảo. Ngoài ra, đề tài cũng đã thiết kế bảng tên phục vụ mục đích giới thiệu các thông tin khoa học của cây một cách ngắn gọn và hiệu quả. Tuy nhiên, còn cần thử nghiệm độ bền của các thiết kế này với điều kiện thực tế tại nhà trường.
Hình. Một số loài cây quí hiếm cần bảo tồn phát hiện tại khuôn viên đồi La San, trường Đại học Nha Trang
-
Gõ mật (Sindora siamensis Teijsm. ex Miq.)
-
Bàng vuông (Barringtonia asiatica (L.) Kurz)
-
Sao đen (Hopea odorata Roxb.)
-
Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb ex G.Don)
-
Phất dủ rồng (Dracaena draco (L.) L.)
-
Xà cừ (Khaya senegalensis (Desv.) A.Juss.)
-
Trắc bách diệp (Platycladus orientalis (L.) Franco)