Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với một thách thức môi trường to lớn là nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt quá 2°C trong thế kỷ 21, trừ khi chúng ta đạt được mức giảm sâu về lượng phát thải khí nhà kính ngay bây giờ. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào cần thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu này. Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay tại Việt Nam đang lựa chọn vận hành thị trường tín chỉ cacbon như một phần của câu trả lời.
Vậy tín chỉ cacbon là gì?
Tín chỉ cacbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương từ các khí nhà kính khác (CH4, N2O, …).
Mỗi một nhà máy, công ty hay doanh nghiệp đều thải ra một lượng khí thải nhà kính nhất định. Nếu lượng phát thải khí nhà kính này thấp hơn tiêu chuẩn nhờ áp dụng các công nghệ sạch, các phương thức sản xuất ít phát thải hơn, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thì doanh nghiệp đó sở hữu một số tín chỉ cacbon dôi dư.
Các doanh nghiệp có nhà máy hay dịch vụ phải hoạt động vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp phải mua những tín chỉ cacbon cần thiết để trung hòa khí thải cho hoạt động của mình.
Tín chỉ cacbon đang là một thứ hàng hóa, giá cả sẽ thay đổi tùy thuộc vào cân bằng cung – cầu và tùy chất lượng hay tính bền vững trong ngăn chặn phát thải. Những khoản lợi nhuận khổng lồ dựa vào thiên nhiên do việc bán không khí sạch, ngăn chặn phá rừng, trồng rừng, tạo cảnh quan hấp thụ cacbon, phát triển đa dạng sinh học… tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thị trường tín chỉ cacbon là gì?
Thị trường tín chỉ cacbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường cacbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín dụng cacbon từ các doanh nghiệp tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn và có tín chỉ dư. Hiệu quả của việc cắt giảm khí thải được xác nhận bởi một bên thứ ba và các tín chỉ được cấp thông qua những nỗ lực giảm phát thải CO2 có thể được giao dịch trên thị trường cacbon.
Thị trường cacbon tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, giúp chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa cacbon. Khi giá cacbon tăng, các doanh nghiệp sẽ áp dụng các phương thức sản xuất hiệu quả để giảm phát thải. Ngoài ra, nguồn thu nhập mới từ các dự án và hoạt động giảm phát thải, như trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo thúc đẩy phát triển bền vững. Thị trường tín chỉ cacbon đồng thời là công cụ chính sách hiệu quả, minh bạch trong việc giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất.
Thị trường tín chỉ cacbon đang phát triển trên phạm vi toàn cầu và tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam, thôi thúc thành lập sàn giao dịch chính thức.
Việt Nam phát triển thị trường tín chỉ cacbon là động thái nhằm thể hiện sự cam kết của quốc gia về lượng phát thải ròng bằng không. Việc tạo ra một thị trường tín dụng cacbon cởi mở và minh bạch sẽ dựa trên việc xác định tổng khối lượng phát thải và phân bổ hạn ngạch phát thải cho mọi địa phương và lĩnh vực trong nước đồng thời tạo nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ cacbon và đã thu được 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ này. Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon thí điểm.
Việc sớm thành lập sàn giao dịch tín chỉ cacbon là rất cần thiết, bởi các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chào bán tín chỉ mà còn đặt mua tín chỉ, khách hàng không chỉ từ nước ngoài mà còn là các công ty hay nhà máy trong nước cần hạ thấp dấu ấn cacbon để dễ dàng xuất khẩu sản phẩm. Chúng ta chỉ cần lưu ý rằng tín dụng cacbon là một thứ hàng hóa và giá cả của nó không ổn định. Theo xu hướng giá của tín chỉ cacbon sẽ tăng, nên nếu chúng ta đem bán sớm thì lúc cần mua lại giá có thể sẽ cao gấp nhiều lần.
Khi Việt Nam chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ cacbon, doanh nghiệp có thể mua bổ sung tín chỉ bù đắp cacbon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không. Giai đoạn hiện tại là lúc doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo kiểm kê phát thải theo quy định của Việt Nam và thế giới để hạn chế rủi ro pháp lý và nắm lấy thời cơ đến từ dòng chảy chuyển dịch “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Nguồn tham khảo:
http://www.dcc.gov.vn/tin-tuc/3935/Cuc-Bien-doi-khi-hau:-'Than-trong-khi-ban-tin-chi-carbon'.html
https://vneconomy.vn/vietnam-to-develop-carbon-credit-market.htm
https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/
https://kinhtevadubao.vn/moi-quan-he-giua-tang-truong-cua-thi-truong-carbon-toan-cau-voi-kha-nang-chong-bien-doi-khi-hau-23071.html
https://digital.fpt.com/dxarticles/co-hoi-lon-tu-thi-truong-tin-chi-carbon.html
https://tuoitre.vn/tin-chi-carbon-la-chuyen-tien-tuoi-thoc-that-20240105101912146.htm#:~:text=T%C3%ADn%20ch%E1%BB%89%20carbon%20l%C3%A0%20g%C3%AC,CO2%20quy%20%C4%91%E1%BB%95i%20t%C6%B0%C6%A1ng%20%C4%91%C6%B0%C6%A1ng