Học viên Bùi Thị Ngọc bảo vệ thành công Đồ án tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ sinh học
Đưa tin: Lê Phương Chung
Sáng ngày 24/6/2024, tại phòng C2, Trường Đại học Nha Trang đã diễn ra buổi bảo vệ Đồ án thạc sĩ của học viên Bùi Thị Ngọc với đề tài: ““Nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ COD/NH4+, hàm lượng ion Fe3+ và thế oxy hóa khử đến quá trình xử lý NH4+ trong nước thải chế biến thủy sản theo nguyên lý feammox” do TS. Ngô Thị Hoài Dương và TS. Lê Phương Chung hướng dẫn.
Thành phần hội đồng gồm: PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Công Minh - Phản biện và TS. Phạm Thị Minh Hải – Ủy viên Thư ký.
Với mục đích nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải chế biến thủy sản theo nguyên lý Feammox, trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng một số yếu tố trong quá trình xử lý nhằm đề xuất quy trình xử lý nước thải chế biến thủy sản hiệu quả, nghiên cứu của học viên Bùi Thị Ngọc đã thực hiện các nội dung nghiên cứu và đạt được các kết quả như sau:
- Đã xác định được một số thành phần nước thải đầu vào của nhà máy sơ chế nguyên liệu có khả năng ảnh hưởng đến quá trình xử lý như sau pH trong khoảng 6,5-7,5; COD từ 800 – 1.200 mg/L; NH4+ từ 90 – 110 mg/L và DO từ 0,09 – 0,11 mg/L.
- Đã thiết lập được điều kiện hoạt hóa hệ bùn kỵ khí Feammox trong 40 ngày đạt mật độ 4,6 x 106 MPN/mL có khả năng xử lý trên 90% amoni đầu vào ban đầu.
- Đã xác định được mức độ ảnh hưởng của các biến khảo sát gồm tỉ lệ C/N, hàm lượng Fe3+ và thế oxy hóa khử đến hàm mục tiêu là hiệu quả khử nitơ trong miền nghiên cứu, đồng thời đã xác định được giá trị của tỉ lệ C/N < 10 và hàm lượng Fe3+ khoảng 10mM thì quá trình khử đạt hiệu quả tốt nhất. Mật độ VSV kỵ khí trong mẫu bùn trong khoảng 4,6 x 106 MPN/mL.
Các kết quả góp phần làm sáng tỏ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng nguyên lý xử lý kỵ khí các hợp chất nitơ trong nước thải chế biến thủy sản.