Bộ môn Kỹ Thuật Môi trường
Trong những năm gần đây mặc dù các vấn đề môi trường liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội được quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên để thực hiện tốt những quy định theo Luật Bảo vệ môi trường vẫn rất cần sự chung tay và quan tâm từ các bên liên quan.
Nhiệm vụ ở các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu liên quan đến quản lý và xử lý môi trường là đào tạo những kỹ sư, cử nhân nắm vững chuyên môn để nghiên cứu, thực thi những công nghệ, phương án mới trong xử lý và quản lý chất thải từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nhằm hướng đến bảo vệ môi trường trong sạch, an lành và bền vững. Bộ môn Kỹ thuật môi trường thuộc Viện Công nghệ Sinh học & Môi trường cũng không ngoại lệ.
Trước những thực trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí từ các hoạt động của con người và hiện nay những yêu cầu cấp thiết về bảo vệ sức khoẻ, an toàn của người lao động, của cộng đồng, sự phát triển bền vững của môi trường, đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đúng pháp luật, ngoài nhu cầu nhân lực liên quan đến thiết kế, vận hành hệ thống xử lý chất thải thì nhu cầu nhân lực về quản lý sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cũng ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2015 hướng đến 2020 - 2025, Xây dựng - Kiến trúc - Môi trường là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 10.800 người/năm. Với xu hướng nhu cầu lao động hiện nay, chương trình giáo dục đại học ngành Kỹ thuật môi trường ở khoá 63 có những điểm mới và khác biệt so với những khoá trước.
Chương trình đào tạo kỹ sư có phẩm chất đạo đức, có ý thức về chính trị, có kiến thức từ cơ bản đến chuyên môn, cùng các kỹ năng cần thiết và chuyên sâu về 2 chuyên ngành là kỹ thuật môi trường, và quản lý môi trường & sức khoẻ nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học cho khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Chương trình nổi bật với hơn 15% thời lượng đào tạo gắn liền thực tế ngành nghề. Sinh viên được tham gia thực tập chuyên ngành trực tiếp ở những nhà máy, cơ sở có các hệ thống xử lý và quản lý chất thải.
Hiện nay, Bộ môn Kỹ thuật môi trường có 1 PGS, 3 TS, 3 nghiên cứu sinh trong và ngoài nước cùng 7 ThS có chuyên môn và kinh nghiệm trên 5 năm về giảng dạy và nghiên cứu. Hàng năm có ít nhất 2 đề tài nghiên cứu được thực hiện bởi các giảng viên ở Bộ môn. Gần đây nhất có đề tài liên quan đến kiểm kê phát thải khí nhà kính, thiết kế hệ thống xử lý bụi, nổi bật là đề tài nghiên cứu về hệ vi sinh vật kỵ khí sinh mê-tan trong hệ thống xử lý nước thải ngành chế biến thuỷ sản. Có thể thấy, các đề tài nghiên cứu đã gắn liền với tình hình môi trường hiện nay và gắn liền với đặc thù phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài ra, bộ môn còn kết hợp với các bộ môn khác cùng thực hiện các nghiên cứu về đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường. Bộ môn cũng đang hoàn thành phòng thí nghiệm kỹ thuật môi trường với sự đầu tư và hỗ trợ từ trường Đại học Nha Trang. Đây là nơi để sinh viên thực hiện các nghiên cứu nhỏ với các mô hình về nước thải, khí thải và chất thải rắn để nâng cao kỹ năng và hiểu biết gắn liền với thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí sau:
· Chuyên viên phụ trách về môi trường và an toàn sức khỏe nghề nghiệp
· Nhân viên kinh doanh hoá chất, thiết bị, vật tư, sản phẩm công nghệ môi trường
· Kỹ thuật viên tư vấn, thiết kế, chế tạo thiết bị và hệ thống xử lý môi trường
· Nghiên cứu viên và giảng viên về chuyên ngành môi trường
· Chuyên viên quản lý nhà nước về môi trường
· Chuyên viên tư vấn về quản lý và xử lý môi trường trong các tổ chức phi chính phủ
· Chuyên gia tư vấn môi trường các dự án trong nước và quốc tế
Chúng tôi luôn giữ vững tâm thế là phụng sự để đào tạo những thế hệ kỹ sư có đủ phẩm chất đạo đức và chuyên môn đáp ứng nhu cầu lao động hiện nay và nhằm hướng đến việc đảm bảo sự hài hoà giữa bảo vệ môi trường với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.