Đưa tin: Khúc Thị An
Nguyễn Thành Duy- cựu sinh viên Khóa 49 ngành CNSH – Viện CNSH & MT, Trường Đại học Nha Trang trải qua hành trình để hiện thực giấc mơ khởi nghiệp
TỪ Ý TƯỞNG CÓ THỂ KHÔNG MỚI
Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 2 và 3 của Khóa 49 tại Viện CNSH & MT, Trường Đại học Nha Trang, Nguyễn Thành Duy đã đam mê với việc tìm hiểu và phát triển các nghiên cứu về CNSH trong việc tạo ra sản phẩm có thể thương mại. Sau khi tốt nghiệp năm 2011, cũng như bao sinh viên khác, Duy có thể tìm việc làm tại một cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, Duy đã táo bạo bắt tay khởi nghiệp từ ý tưởng “Xây dựng cơ sở sản xuất nấm quy mô nhỏ” dựa trên những quan sát và học hỏi từ các Thầy cô và anh chị đi trước. Đây cũng là công việc mà Duy yêu thích. Tại thời điểm đó, ý tưởng này không mới nhưng Duy đã tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của mình để có thể duy trì và phát triển đến ngày hôm nay.
CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG
Sau một thời gian bỏ công sức và vốn đầu tư, Duy đã gây dựng được mô hình sản xuất nhỏ với diện tích 200m2. Mô hình mày chủ yếu sản xuất nấm mèo vì dễ trồng, đầu ra chắc chắn, đồng thời, cơ sở hạ tầng đơn giản và có thể tận dụng các vật dụng sẵn có để dựng trại.
Nguyên liệu mùn cưa đang được trộn đảo để đóng bịch tại cơ sở sản xuất
Hàng ngày, Duy đều tự mình làm gần như mọi khâu của quy trình sản xuất: từ bốc củi, lấy mùn cưa, bốc xếp, trộn ủ nguyên liệu, đóng bịch, đốt lò hấp bịch phôi, cấy giống, chuyển bịch phôi ra nhà ươm, chăm sóc. Duy còn tự thu hái và tiêu thụ sản phẩm nấm mình trồng. Ngày làm việc của Duy cũng bắt đầu từ tinh mơ cho đến tối mịt, luôn phải tính toán chi tiêu sao cho tiết kiệm nhất có thể (đốt bao nhiêu củi, hốt mùn cưa lúc nào, tự làm kệ đẩy bịch phôi để tiết kiệm sức lao động cho tới những việc nhở nhặt như cột dây thun, tận dụng báo cũ để bọc cổ nút bịch phôi).
Cơ sở sản xuất phôi nấm Bình Lộc, huyện Diên Khánh.
Duy chia sẻ “Thay vì ổn định với một vị trí công chức, mình bắt đầu những ngày tháng ròng rã nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng. Trời nắng như đổ lửa hay mưa to gió lớn, chỉ cần khách hàng gọi, mình luôn sẵn sàng lao ra đường. Cơm áo gạo tiền, cuộc sống của bản thân và gia đình, trả lương nhân viên,… tháng nào cũng từng đó nỗi lo khiến mình trăn trở.”
Cho đến nay, sau 11 năm hoạt động, Duy đã tạo dựng được một cơ sở với quy mô 1200 m2, hệ thống nhà xưởng có thể sản xuất và cung cấp số lượng từ 20-30
nghìn bịch phôi nấm các loại (linh chi, bào ngư)/1 tháng cho gần 30 cơ sở nuôi trồng nấm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận (Ninh Thuận, Phú Yên). Cơ sở sản xuất phôi nấm của Duy đã từng bước khẳng định uy tín về chất lượng giống nấm làm tiền đề mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, mở rộng quy mô đồng nghĩa với việc tăng vốn đầu tư và nguồn nhân lực. Với Duy, quy mô phải tương ứng với năng lực quản lý để có thể vận hành tốt hệ thống một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Nhà ủ tơ nấm tại cơ sở sản xuất thôn Lương Phước, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh.
KHỞI NGHIỆP NGHỀ NẤM LÀ HÀNH TRÌNH VẤT VẢ
Duy tâm sự “Khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, nhất là với sản phẩm nông nghiệp, càng đòi hỏi sự đam mê, kiên trì và vượt khó đến cùng”. Khi khởi nghiệp, trong tay Duy chỉ có số vốn rất ít ỏi. sau vài lần thất bại, số vốn cũng gần như cạn kiệt. Duy phải vay mượn từ người thân mới đủ xoay sở để mua vật tư và nguyên liệu tái sản xuất.
Khởi nghiệp chưa từng và sẽ không bao giờ là giấc mơ “màu hồng”. Quá trình này đầy khó khăn và thử thách, không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng. Khởi nghiệp là hành trình của sự đam mê, lòng kiên trì và tinh thần vượt khó, đó là lời nhắn nhủ của Duy đến các bạn sinh viên đến tham quan và kiến tập tại cơ sở tropngf nấm.
Sinh viên ngành CNSH, Trường Đại học Nha Trang tham quan học tập
tại cơ sở sản xuất nấm