Nhóm nghiên cứu Đa dạng sinh học và Bảo tồn kết nối xây dựng dự án được tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF

Metabarcoding cùng với công nghệ giải trình tự thế hệ mới có thể phát triển các chỉ thị phân tử và được áp dụng với các mẫu có đa dạng loài lớn. Điều này cực kỳ hiệu quả trong nghiên cứu hiện tại do có thể sử dụng với một số lượng lớn TCCC và DNA môi trường, trong khi vẫn có thể xác định loài, thành phần loài và cấu trúc quần xã của TCCC và đa dạng cá biển

Nhóm nghiên cứu Đa dạng sinh học và Bảo tồn kết nối xây dựng dự án được tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF

Đưa tin: Đặng Thúy Bình

Tên dự án: Mã vạch di truyền tiên tiến và cơ sở dữ liệu tích hợp - Ứng dụng trong giám sát trứng cá cá con và quản lý nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam

Mã dự án: VINIF.2022.DA00021

Dự án được tiến hành dưới sự chủ trì của Trường Đại học Nha Trang và các đối tác đến từ các Viện/Trường Đại học hàng đầu về thủy sản tại Việt Nam (Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. HCM, Phân viện nghiên cứu Hải sản phía Nam, Viện nghiên cứu Hải sản, và Viện Hải dương học) cùng với các đối tác Mỹ đến từ Trường Đại học Texas A&M Corpus Christi và Viện Smithsonian.

Mục tiêu và tầm ảnh hưởng của dự án

Công nghệ 4.0, dữ liệu lớn (big data) và di truyền phân tử đã được áp dụng trong quản lý nguồn lợi ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực Dự án nhằm kiểm tra thành phần loài, mật độ và sự phân bố theo thời gian và không gian của trứng cá, cá con dọc theo bờ biển Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thư viện tham chiếu mã vạch DNA (DNA barcodes) và phát triển mã vạch di truyền tiên tiến (DNA metabarcoding) của cá biển như một công cụ và giải pháp hữu ích nhằm khảo sát đa dạng sinh học, và quần xã trứng cá cá con làm cơ sở cho việc xác định khu vực sinh sản và quản lý nguồn lợi thủy sản.

Hình 1: Sơ đồ nội dung nghiên cứu của dự án

Dự án đặt nền tảng cho việc kết hợp các phương pháp truyền thống và công cụ di truyền tiên tiến, đóng góp vào cơ sở dữ liệu toàn cầu như Genbank, BOLD trong việc khảo sát đa dạng sinh học và cập nhật danh sách các loài cá biển tại Việt Nam. Các thông tin về di truyền và đa dạng sinh học, các phương pháp tin sinh học hiện đại, dữ liệu WebGIS và phân bố của cá biển nói chung và trứng cá cá con nói riêng được tích hợp trong cơ sở dữ liệu có thể dễ dàng truy cập, truy xuất, và sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan quản lý thủy sản của chính phủ. Dự án đồng thời mở đường cho việc giải quyết các vấn đề về lịch sử sự sống, về di truyền và sinh thái biển ở Việt Nam và Đông Nam Á, là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng nhưng đang phải đối mặt với các nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quí giá này.

Hình 2: Nhóm dự án tham dự lễ công bố tài trợ dự án

Metabarcoding, dữ liệu lớn, cùng với WebGIS, hứa hẹn sẽ là những công cụ hữu hiệu, góp phần vào việc số hóa và lưu trữ dữ liệu theo thời gian và không gian, làm nền tảng cho việc quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững ở Việt Nam và kết nối với big data trên toàn cầu. Nghiên cứu này xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ trong nước và quốc tế bằng việc tạo ra một mạng lưới đa dạng sinh học biển của các nhà khoa học, quản lý trẻ, có năng lực và sẽ là những nhà lãnh đạo sáng tạo trong tương lai. Bên cạnh đó, dự án  phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, các cơ quan bảo tồn và tổ chức phi chính phủ, cung cấp thông tin và bằng chứng khoa học cho các chính sách phát triển bền vững và quản lý nguồn lợi thủy sản, và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe hệ sinh thái.

Hình 3: Toàn cảnh lễ công bố dự án

Video giới thiệu dự án:

 

 

 

  • Share

Previous Post

ĐỀ TÀI TIẾN SĨ: SỰ THÍCH ỨNG CỦA CÁ KHOANG CỔ VỚI VẬT CHỦ HẢI QUỲ: TỪ GÓC NHÌN DI TRUYỀN TỚI SINH LÝ HỌC.

Next Post

Giảng viên Viện CNSH & MT tham dự Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về Năng lượng, Cơ sở hạ tầng và Môi trường tại Trường Đại học Quy Nhơn