Công nghệ sinh học - Thành tựu và Ứng dụng trong đại dịch Covid 19

Có lẽ trong mỗi chúng ta khi còn tồn tại đến thời điểm này đều có chung nổi ám ảnh kinh hoàng về đại dịch mang tên Covid 19, một trong những đại dịch được xem là khủng khiếp nhất từ trước đến nay dựa trên những con số thống kê về các ca lây nhiễm  tử vong trên toàn cầu.

Công nghệ sinh học -  Thành tựu và Ứng dụng trong đại dịch Covid 19

Đưa tin: Lê Nhã Uyên, Văn Hồng Cầm

Đại dịch  Covid 19, một trong những đại dịch được xem là khủng khiếp nhất từ trước đến nay dựa trên những con số thống kê về các ca lây nhiễm và tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ khi có vaccine phòng ngừa, ảnh hưởng của Covid 19 không còn nghiêm trọng như trước nữa. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong và lây nhiễm được kiểm soát và hạn chế. Tình hình khả quan về Covid 19 như hiện nay có được là nhờ các thành tựu trong nghiên cứu, phát triển vaccine và thuốc điều trị.

Việc nghiên cứu, phát triển vaccine và các loại thuốc điều trị Covid 19 được có thể được tiến hành theo các phương pháp khác nhau nhưng hầu hết đều dựa trên các kiến thức nền tảng và chuyên sâu thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng và ứng dụng rộng rãi của Công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

VÀI NÉT VỀ COVID 19

Covid 19 là bệnh do virus SAR-CoV-2 gây ra, xuất hiện đầu tiên vào khoảng cuối năm 2019. Căn bệnh này rất nhanh sau đó đã lan ra khắp thế giới.

Ca nghi nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào 31/12/2019 ở Vũ Hán và trường hợp tử vong đầu tiên do chủng virus này cũng được ghi nhận vào ngày 9/1/2020 tại Vũ Hán chỉ 9 ngày sau khi ca nghi nhiễm đầu tiên được phát hiện. Các trường hợp nghi nhiễm tiếp theo trên thế giới được ghi nhận tại Thái Lan và Nhật Bản, sau đó virus này được xác định lây từ người sang người cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh theo cấp số nhân và khó kiểm soát. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi “COVID 19” là “Đại dịch toàn cầu”.

Covid 19 thường gây ra các triệu chứng về hô hấp. Người nhiễm virus có thể cảm thấy các triệu chứng giống như cảm cúm hay viêm phổi, tuy nhiên, virus này không chỉ tấn công phổi và hệ hô hấp mà còn có thể tấn công các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể người.

Bệnh Covid 19 lây lan theo 3 cách chính [1]

  • Hít vào không khí hay ở gần người bị nhiễm bệnh phát ra các giọt bắn có chứa virus.
  • Để các giọt bắn rơi vào mắt, mũi hay miệng, đặc biệt là thông qua việc ho hay hắt hơi.
  • Chạm vào mắt, mũi hay miệng có dính virus.

 Con đường lây truyền của bệnh Covid 19 [2]

Đến nay, việc nhiễm Covid cũng như các triệu chứng nhiễm Covid được xem là khá bình thường, tuy nhiên, nhiều thống kê cho thấy các di chứng hay ảnh hưởng hậu Covid là điều đáng lo ngại và quan tâm hơn cả.

Các biến thể của virus SAR-CoV-2 gây bệnh Covid 19

Trong số các biến thể của virus SAR-CoV-2, có 5 biến thể sau đây được WHO công bố là những biến thể đáng lo ngại nhất:

  • Alpha (biến thể dòng B.1.1.7, hay còn gọi là biến thể/biến chủng tại Anh)
  • Beta (biến thể dòng B.1.351, xuất hiện đầu tiên vào 10/2020 tại Nam Phi)
  • Gamma (biến thể dòng P1, xuất hiện đầu tiên vào 6/1/2021 tại Nhật Bản)
  • Delta (dòng B.1.617.2 là 1 biến thể của dòng B.1.617, xuất hiện đầu tiên vào cuối năm 2020 tại Ấn Độ)
  • Omicron (biến thể này có 1số lượng lớn đột biến bất thường gây lo ngại về khả năg lây lan, trốn tránh hệ miễn dịch và kháng vaccine, xuất hiện đầu tiên vào 24/11/2021 tại Nam Phi)

Ngoài ra còn có 1 số biến thể được WHO phân loại là biến thể cần quan tâm: Lamda (dòng C.37 ghi nhận đầu tiên vào 12/2020 tại Peru), Mu (dòng B.1.621ghi nhận đầu tiên vào 1/2021 tại Columbia). Delta là biến thể có nhiều nguy hiểm nhất tại thời điểm xác định vì khả năng gây tử vong và  gây ra các biến chứng, trong khi đó Omicron thì đáng lo ngại về khả năng và tốc độ lây lan cũng như việc kháng vaccine.

Đến tháng 4/2022, thế giới đã xuất hiện thêm hai biến thể gây bệnh Covid mới là XL và XE là biến thể tái tổ hợp từ biến thể phụ BA1 và BA2 của Omicron, được phát hiện đầu tiên tại Anh vào tháng 2/2022, sau đó lây lan đến một số quốc gia trên thế giới. Báo cáo của WHO cho thấy, các kiểm soát biến thể XE đang được thực hiện, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng cho thấy đây là biến thể đáng quan ngại như Alpha, Delta hay Omicron [3].

 Virus SAR-CoV 2 gây bệnh Covid 19

  1. Hình ảnh hiển vi của virus SAR-CoV 2 [4]
  2. Hình ảnh mô phỏng bề mặt của virus [5]

CÔNG NGHỆ SINH HỌC - TÌM KIẾM CÁC GIẢI PHÁP CHO COVID-19

Các đại dịch bệnh đã được ghi chép rõ ràng trong suốt lịch sử loài người. Bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh đậu mùa và bệnh cúm đều đã gây ra những trận đại dịch tàn phá dân số thế giới. Gần đây, COVID-19 đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta đã kiểm soát đại dịch này hiệu quả hơn các đại dịch trong quá khứ.

Công nghệ sinh học và cuộc chiến chống lại dịch bệnh

Những tiến bộ trong lĩnh vực Công nghệ sinh học đã giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị những người bị nhiễm bệnh, đồng thời cho phép các nhà khoa học phát triển vaccine trong thời gian ngắn và nhanh chóng sàng lọc các phương pháp điều trị hiệu quả.

Tính đến nay, đã có hơn 200 loại vaccine COVID-19 được nghiên cứu và phát triển. Trong số này, ít nhất 52 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Nhiều loại vaccine khác nhau đã được các công ty khác nhau trên toàn thế giới phát triển trong cuộc chiến ngăn chặn và giảm tính nguy hiểm của COVID-19 khi xâm nhập vào cơ thể nhờ cơ chế nhớ miễn dịch. Trong số đó, có thể kể đến những loại vaccine đã được sử dụng trong chủng ngừa COVID-19 tại Việt Nam (Bảng 1).

Bảng 1: Phân loại một số vaccine COVID-19

Công ty

Quốc gia

Loại vaccine

Astra Zeneca/Oxford University

UK

Vector virus (Virus được biến đổi)

Moderna

USA

RNA

Pfizer/BioNTech

USA/Đức

RNA

Sputnik V-Gamaleya

Nga

Vector virus

SinoVac/ CanSino/SinoPharm

Trung Quốc

Virus bất hoạt

 

Nhiều phương pháp điều trị khác nhau cũng đang được phát triển, từ các liệu pháp dựa trên kháng thể, kháng virus, liệu pháp dựa trên tế bào đến các phương pháp điều trị dựa trên RNA. Ngoài ra, các loại thuốc hiện đang được sử dụng để điều trị các bệnh khác cũng được nghiên cứu về hiệu quả tiềm năng chống lại COVID-19 (ví dụ thuốc kháng viêm, kháng đông máu hoặc các điều trị đông-tây y kết hợp).

Virus  SAR-CoV 2  xâm nhập tế bào người

Nghiên cứu sâu về cơ chế lây lan của COVID-19 cũng được ưu tiên. Những biến đổi về vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2 khi chúng di chuyển qua các khu vực địa lý khác nhau được theo dõi. SARS-CoV-2 là một virus RNA có cấu tạo khá đơn giản với vật liệu di truyền là RNA sợi đơn dạng xoắn, được bao bởi lớp vỏ ngoài glycoprotein chứa các protein gai giúp cho quá trình xâm nhập của virus. Các virus RNA có xu hướng có tỷ lệ đột biến khá cao. Khi virus xâm nhập vào một vùng mới, những đột biến này sẽ được mang theo trong bộ gene của nó (về cơ bản, các đột biến này có thể xem như hồ sơ lịch sử về nơi xuất phát của chúng). Cây phát sinh loài được xây dựng để thể hiện mối liên quan về di truyền giữa các mẫu virus. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tin sinh học hiện đang thu thập dữ liệu về COVID-19 để từ đó đánh giá ảnh hưởng của nó đối với dân số thế giới.

Công nghệ sinh học tạo nên sự khác biệt

Trong bối cảnh dịch bệnh, sát cánh ở tuyến đầu chống dịch cùng với các bác sĩ, lực lượng an ninh, là những cán bộ làm việc trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và Sinh học từ các viện nghiên cứu, các trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát dịch CDC. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thuốc và sinh phẩm cũng đóng góp rất nhiều trong việc nghiên cứu, sản xuất thuốc, kit chẩn đoán và vaccine nhằm góp phần đẩy lùi bệnh dịch.

Trải qua hơn 3 năm chống chọi với “Đại dịch Covid 19”, trong chúng ta mỗi người đều có mỗi cảm nhận khác nhau, còn tồn tại cho đến hôm nay có lẽ là điều kỳ diệu. Các nước trên thế giới hiện nay đều thiết lập trạng thái “mở” hay bình thương mới, nhưng nhiều biện pháp phòng ngừa vẫn được áp dụng để hạn chế việc lây lan Covid. Trong đó, việc tuyên truyền người dân tiêm chủng vaccine và thực hiện 5Kvẫn được duy trì ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Các biến chủng mới của Covid vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo thích ứng với điều kiện mới “thích nghi với Covid”, tiến đến việc bình thường hoá Covid 19 như các bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên tuân thủ và cập nhật các khuyến cáo, thông báo của Bộ Y tế để chủ động phòng ngừa và hạn chế lây lan virus trong cộng đồng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/how-covid-spreads.html

[2] https://www.who.int/images/default-source/wpro/countries/viet-nam/emergencies/covid-19/transmission/transmission-2.jpg

[3] https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/variants/variant-classifications.html

[4] https://www.flickr.com/photos/niaid/49534865371/

[5] https://www.cdc.gov/media/subtopic/images.htm

 

 

 

 

 

 

  • Share

Previous Post

Giải Nobel Y học 2019 được trao cho 3 nhà khoa học vì những phát hiện mới về “cơ chế cảm nhận và đáp ứng của tế bào với mức oxy”

Next Post

Đa dạng sinh học – Thế giới sắc màu và tình yêu